10 thói quen xấu gây ra bệnh loãng xương

author  |  Th4 26, 2024
Rate this post

Loãng xương khiến xương trở nên yếu, giòn và rất dễ gãy dù chỉ bị tác động nhẹ. Loãng xương gây ảnh hưởng lớn đến nam giới và phụ nữ từ trung niên trở lên. Trong đó, phụ nữ mãn kinh là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Không chỉ những thay đổi tự nhiên trong cơ thể, thói quen xấu trong lối sống cũng là nguyên nhân của bệnh loãng xương. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về các thói quen xấu gây ra loãng xương qua bài viết sau đây của Khỏe đẹp là vàng nhé

Loãng xương là bệnh gì?

Loãng xương là hiện tượng làm suy giảm mật độ khoáng và khối lượng xương, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ thống xương khớp. Bên trong xương thường có những khoảng nhỏ giống như tổ ong. Loãng xương làm tăng kích thước của các khoảng trống này, khiến xương mất sức mạnh và mật độ.

Loãng xương có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng rất phổ biến ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Những người bị loãng xương có nguy cơ cao bị gãy xương trong khi thực hiện các hoạt động thường ngày như đứng, đi bộ. Các vị trí xương thường bị ảnh hưởng nhất là xương sườn, xương hông, xương cổ tay và xương sống.

loang-xuong-khien-mat-do-xuong-suy-giam

Loãng xương khiến khối lượng xương và mật độ khoáng bị suy giảm đáng kể

Không có bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu nào để nhận biết bạn đã bị loãng xương. Phần lớn, những người mắc phải tình trạng này chỉ phát hiện bệnh cho đến khi bị gãy xương. Một số triệu chứng cảnh báo loãng xương có thể xảy ra gồm: tụt nướu, lực nắm ở tay bị yếu, móng tay mỏng và dễ gãy

Có 2 nguyên nhân của bệnh loãng xương chính bao gồm: Sự thay đổi tự nhiên của cơ thể và thói quen xấu trong lối sống sinh hoạt.

Nguyên nhân gây bệnh loãng xương

Tuổi tác

Nguyên nhân của bệnh loãng xương lớn nhất là tuổi tác. Bởi lẽ, quá trình cơ thể tạo ra xương mới nhanh hơn quá trình phân hủy xương cũ khi bạn còn trẻ. Đến năm 20 tuổi, quá trình tăng sinh xương mới diễn ra chậm lại, xương bắt đầu bước vào quá trình hoàn thiện. Đến năm 30 tuổi, xương đã phát triển hoàn toàn và đạt được khối lượng xương đỉnh.

Khi khối lượng xương đỉnh càng cao, “ngân hàng” xương càng lớn mạnh, khả năng loãng xương sẽ càng thấp. Thế nhưng, phần lớn khối lượng xương này sẽ mất đi nhanh hơn so với lượng xương mới được tạo ra khi bạn có tuổi, gây ra tình trạng loãng xương.

Sự thay đổi hormone

Sự thay đổi nồng độ các hormone có liên quan trong cơ thể là một nguyên nhân của bệnh loãng xương. Tình trạng này xảy ra ở phần lớn phụ nữ và nam giới trong độ tuổi từ 45 – 55, tuy nhiên tốc độ mất xương của nam giới diễn ra chậm hơn.

Di truyền

Nếu gia đình bạn có tiền sử loãng xương, thế hệ sinh ra cũng có thể “kế thừa” đặc tính này. Tuy nhiên, tỷ lệ loãng xương do di truyền không cao. Ngoài ra, trọng lượng cơ thể thấp hoặc khung xương nhỏ cũng là những nguyên nhân tự nhiên của bệnh loãng xương.

Các vấn đề về tuyến giáp

Hàm lượng hormone tuyến giáp lớn cũng là một nguyên nhân của bệnh loãng xương. Tình trạng loãng xương sẽ xảy ra khi tuyến giáp của bạn hoạt động quá mức hoặc do làm dụng hormone để điều trị các vấn đề liên quan đến tuyến giáp.

Bên cạnh những yếu tố tự nhiên đã được nêu phía trên, thói quen sinh hoạt và lối sống không lành mạnh cũng là một nguyên nhân của bệnh loãng xương. Đối với nhóm nguyên nhân này, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và cải thiện để giảm thiểu tối đa tỷ lệ mắc bệnh này.

nhung-vi-tri-pho-bien-gay-loang-xuong

Loãng xương thường xuất hiện ở hông, bàn tay, cột sống và xương sườn

Những thói quen xấu khiến bạn dễ bị loãng xương

Không chú ý đến dinh dưỡng

Dinh dưỡng được xem là chìa khóa để giải quyết các vấn đề liên quan đến bệnh tật. Do đó, việc cơ thể không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất chính là một nguyên nhân của bệnh loãng xương. Theo Mayo Clinic, loãng xương có nhiều khả năng xuất hiện ở những người:

  • Thiếu Canxi: Canxi là thành phần phần then chốt đối với sức khỏe xương. Khi cơ thể không được đáp ứng đủ hàm lượng canxi cần thiết khiến khối lượng xương và mật độ xương giảm, tăng nguy cơ loãng xương, mất xương và gãy xương do loãng xương.
  • Khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém: Không chỉ có Canxi, xương cũng cần thêm nhiều loại vitamin và khoáng chất khác để duy trì sức khỏe xương. Khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém khiến xương không có đủ dưỡng chất để thực hiện chức năng này, tình trạng loãng xương sẽ sớm xuất hiện.
  • Giải phẫu hệ tiêu hóa: Phẫu thuật giảm kích thước dạ dày hoặc cắt bỏ một phần ruột hạn chế diện tích bề mặt để giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa hoặc giảm cân cũng là nguyên nhân khiến khả năng hấp thụ dinh dưỡng diễn ra kém hiệu quả.

Thiếu dinh dưỡng là một nguyên nhân của bệnh loãng xương mà bạn có thể kiểm soát được. Do đó, để giảm thiểu tình trạng này, bạn cần có sự đầu tư chất lượng trong mỗi bữa ăn, đặc biệt là Canxi. Bạn cũng có thể tham khảo các loại thực phẩm chức năng bổ sung canxi (dưới dạng nano) tốt cho xương để đáp ứng nhu cầu khoáng chất này của cơ thể.

Uống quá nhiều rượu

Cũng như hút thuốc, rượu làm tăng sản xuất cortisol của cơ thể, làm giảm nồng độ hormone testosteroneestrogen khiến xương bị yếu đi. Sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể chính là nguyên nhân thúc đẩy tình trạng loãng xương xuất hiện sớm. Do đó, để kiểm soát tình trạng này, bạn cần hạn chế sử dụng rượu.

uong-nhieu-ruou-co-the-gay-loang-xuong

Rượu khiến nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi, thúc đẩy tình trạng loãng xương diễn ra sớm

Hút thuốc

Theo Trung tâm Tài nguyên Quốc gia về bệnh loãng xương và bệnh xương liên quan của Viện Y tế Quốc gia, những người hút thuốc lá có mật độ xương thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh loãng xương.

Sở dĩ, hút thuốc có thể gây ra loãng xương là bởi, một số thành phần của thuốc lá khi đưa vào cơ thể sẽ tạo ra các gốc tự do. Các nguyên tử này sẽ giết chết các tế bào tạo xương trong cơ thể. Mặt khác, hút thuốc cũng thúc đẩy sản xuất hormone căng thẳng cortisol làm yếu xương và cản trở việc sản xuất hormone calcitonin giúp hình thành xương.

Trong trường hợp bạn đã bị gãy xương trước đó, hút thuốc sẽ khiến các mạch máu bị hư hại, hạn chế khả năng vận chuyển oxy của cơ thể, quá trình chữa lành vết thương từ đó cũng diễn ra chậm hơn.

Ở trong nhà quá nhiều

Nếu cơ thể không có đủ vitamin D, xương sẽ trở nên mỏng, giòn. Vấn đề là, ánh nắng mặt trời là một trong những nguồn chính cung cấp vitamin D. Vì vậy, nếu bạn dành phần lớn thời gian ở trong nhà, cơ thể sẽ thiếu chất dinh dưỡng này.

Trong trường hợp không thể ra ngoài để bổ sung vitamin D từ ánh nắng, hãy cố gắng ăn các thực phẩm như cá hồi, lòng đỏ trứng hoặc sử dụng thực phẩm chức năng để ngăn chặn tình trạng loãng xương.

Ăn quá nhiều đồ ăn mặn

Theo các nghiên cứu về sức khỏe xương khớp, muối có tác động không nhỏ đến sức khỏe của hệ thống xương. Cụ thể, hàm lượng natri tồn tại trong muốn chính là nguyên nhân khiến canxi bị đào thải ra ngoài nhanh chóng, làm ảnh hưởng đến mật độ khoáng và khối lượng xương.

Theo Viện Linus Pauling, Đại học Bang Oregon, khi lượng natri trong cơ thể tăng lên, tỷ lệ đào thải canxi qua đường nước tiểu sẽ tăng cao. Trên thực tế, phụ nữ trưởng thành có thể mất 1% mật độ xương mỗi năm khi ăn một gam natri mỗi ngày. Vì vậy, ăn quá nhiều đồ mặn cũng là một trong những thói quen xấu khiến bạn bị loãng xương.

Do đó, bạn cần chú ý điều chỉnh lượng muối khi chế biến thức ăn để đảm bảo hàm lượng Canxi trong cơ thể nói riêng và sức khỏe của hệ thống xương khớp nói chung

thuc-an-man-anh-huong-den-xuong

Ăn quá mặn là nguyên nhân của bệnh loãng xương mà bạn có thể kiểm soát hoàn toàn

Uống nhiều nước ngọt

Uống nhiều nước ngọt cũng là một nguyên nhân của bệnh loãng xương. Bên cạnh natri, axit photphoric có trong nước ngọt cũng là thành phần gây mất canxi trong xương. Khi này, cơ thể bắt buộc phải lấy một lượng lớn canxi từ xương để trung hòa axit. Quá trình này khiến hàm lượng canxi trong xương không đủ để duy trì mật độ và khối lượng xương, tạo điều kiện cho quá trình loãng xương xuất hiện sớm và nhanh hơn.

Ít vận động cơ thể

Theo Laila S.Tabatabai, MD, Trợ lý giáo sư về y học lâm sàng tại Houston Methodist và Weill Cornell Medical College: “Những người ít vận động cơ thể có nguy cơ bị mất xương nhanh hơn bình thường”.

Giống như cơ bắp, xương sẽ trở nên dày đặc và phát triển mạnh hơn khi bạn có thói quen vận động cơ thể thường xuyên. Đây cũng là một cách để củng cố sức khỏe cho hệ thống xương – sụn – khớp, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện tình trạng loãng xương. Thêm vào đó, tập thể dục còn tăng cường khả năng giữ thăng bằng và sự linh hoạt của cơ thể giúp giảm nguy cơ té ngã.

Chính vì vậy, tạo lập thói quen vận động cơ thể 30 phút mỗi ngày, đặc biệt là các bài tập chống lại trọng lực (chạy bộ, đu xà, nâng tạ,…) là điều cần thiết để đẩy lùi các nguyên nhân của bệnh loãng xương.

Không kiểm soát cân nặng

Duy trì cân nặng hợp lý là một phần quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể. Với bệnh loãng xương, thừa cân, béo phì hay thiếu cân, suy dinh dưỡng đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe xương và làm tăng nguy cơ gãy xương.

Để kiểm soát cân nặng hiệu quả, bạn nên đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bản thân. Ăn uống đủ chất, lành mạnh và điều độ là điều quan trọng để đạt được cân nặng hợp lý. Đồng thời, vận động cũng là cách đốt cháy lượng mỡ thừa trong cơ thể hiệu quả.

Không quan tâm đến giấc ngủ

Một thói quen xấu phổ biến của chúng ta chính là xem nhẹ các nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân của bệnh loãng xương.

Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra mối liên hệ trực tiếp giữa chứng ngưng thở khi ngủ và loãng xương. Do đó, nếu bạn bỏ qua các triệu chứng ngưng thở khi ngủ, nguy cơ loãng xương sẽ tăng cao. Mặt khác, nghiên cứu này cũng chỉ ra chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan chặt chẽ với chứng viêm, một trong những nguyên nhân chính gây mất xương.

giac-ngu-anh-huong-den-loang-xuong

Nếu gặp các vấn đề làm gián đoạn giấc ngủ, hãy tìm hiểu nguyên nhân hoặc tham khảo ý kiến từ bác sĩ để cải thiện tình hình

Phụ nữ dễ loãng xương hơn nam giới do đâu?

Có thể nói rằng, sự thay đổi hormone sinh sản estrogen trong cơ thể là nguyên nhân khiến phụ nữ dễ loãng xương hơn nam giới.

Estrogen là một loại hormone trong cơ thể giúp điều chỉnh chu kỳ sinh sản của phụ nữ. Đồng thời, đây cũng là yếu tố đảm bảo sự chắc khỏe của hệ xương ở cả 2 giới. Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ hormone estrogen trong cơ thể phụ nữ sẽ sụt giảm mạnh, dẫn đến tình trạng mất xương, loãng xương. Ngược lại, mãn kinh không xảy ra ở nam giới nên tốc độ loãng xương ở nam thấp hơn hẳn so với phụ nữ. Đây cũng là lý do giải thích cho câu hỏi “Tại sao phụ nữ dễ loãng xương hơn nam giới?”.

Loãng xương là triệu chứng phổ biến của quá trình lão hóa tự nhiên, diễn ra ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, tình trạng này ở nam giới thường xuất phát từ những thói quen không lành mạnh trong lối sống. Loãng xương có ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động và chất lượng cuộc sống. Để đẩy lùi và cải thiện tình trạng này, điều chỉnh lối sống khoa học, lành mạnh là điều cần thiết, mà trong đó bước đầu tiên cần thực hiện chính là khắc phục hoàn toàn những thói quen xấu gây ra loãng xương kể trên

sua-nubest-tall-6-trong-1