Hormone được xem là những “người đưa tin” hỗ trợ tế bào truyền tín hiệu đến mô của các cơ quan khác để hỗ trợ các chức năng sinh lý, tâm lý, tăng trưởng… thông qua đường máu. Bất kỳ sự rối loạn nào từ hệ nội tiết – cơ quan sản xuất hormone chính, cơ thể đều phải đón nhận những tác động tiêu cực nghiêm trọng. Vậy thiếu hụt hormone nào ảnh hưởng đến chiều cao, vai trò của các loại hormone này đối với sự phát triển thể chất là gì? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây để giải đáp nhé.
Quá trình tăng trưởng chiều cao tự nhiên sẽ chịu sự tác động của các hormone sau đây:
Hormone tăng trưởng là hormone chính điều khiển quá trình phát triển chiều cao của trẻ. Loại hormone này được sản xuất bởi tuyến yên. Tuyến yên chỉ có kích thước bằng hạt đậu nằm ở đấy não sản xuất ra nhiều loại hormone khác nhau, chi phối sự tăng trưởng và chức năng sinh sản.
Hormone tăng trưởng sẽ kích thích tăng trưởng tế bào về cả kích thước và số lượng, hỗ trợ trao đổi chất bằng cách tăng cường tổng hợp protein, tăng quá trình phân giải mô mỡ để giải phóng năng lượng, tăng chuyển hóa đường, tăng khối lượng cơ và kích thước phủ tạng… giúp cơ thể trẻ lớn lên.
Thiếu hụt GH có thể dẫn đến chậm tăng trưởng, chiều cao thấp và các vấn đề sức khỏe khác. Quá trình tác động của hormone tăng trưởng đến chiều cao diễn ra như sau:
Khi tuyến yên tiết ra GH, GH sẽ theo đường máu đến mô và gan. Ở gan, GH kích thích tế bào gan sản xuất ra somatomedin (IGF-1) có khả năng kích thích mô xương và sụn phát triển. Từ đó các tế bào tạo xương và nguyên bào sụn tiến hành phân chia, hấp thụ các thành phần tạo xương, giúp chiều cao tăng lên.
GH được sản xuất theo từng đợt trong cả ngày nhưng nhiều nhất vào ban đêm. Thời kỳ dậy thì là lúc tuyến yên sản xuất ra nhiều hormone tăng trưởng nhất, sau đó lượng hormone này giảm dần.
Bên cạnh hormone tăng trưởng của tuyến yên, một số hormone khác cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao của trẻ như hormone tuyến giáp gồm hormone T3 và T4. T3 là hormone triiodothyronine và T4 là hormone thyroxine. Hai loại hormone này ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao thông qua khả năng điều chỉnh sự trao đổi chất, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và cơ bắp. Duy trì hàm lượng canxi và oxy trong máu, tăng quá trình chuyển hóa cơ thể như tim, gan, thận, tạo nhiệt và điều hòa thân nhiệt…
Thiếu hụt hormone tuyến giáp T3 và T4 có thể dẫn đến chậm tăng trưởng, béo phì và các vấn đề về thần kinh.
Hormone sinh dục ở nam là testosterone và ở nữ là Estrogen. Các hormone này được sản xuất ra nhiều nhất trong giai đoạn trẻ dậy thì. Đối với tăng trưởng chiều cao, hormone sinh dục kích thích phát triển xương, cơ bắp cùng nhiều đặc điểm sinh dục. Hormone sinh dục còn kích thích tăng hàm lượng của hormone tăng trưởng và yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF1), hỗ trợ chiều cao của trẻ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn dậy thì.
Thiếu hụt hormone sinh dục có thể dẫn đến chậm dậy thì, chiều cao thấp và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Trong hệ xương, insulin là một hormone đồng hóa lên xương, tăng tái tạo xương. Nó tham gia điều hòa chức năng nguyên bào xương, tăng khả năng tăng sinh và biệt hóa tế bào gốc trung mô thành tế bào xương. Đồng thời, nó còn tăng cường sự ổn định mật độ khoáng xương, giảm các dấu hiệu hủy xương. Nó còn tham gia vào quá trình hấp thu và tích trữ canxi, giúp phát triển xương.
Thiếu hụt insulin có thể dẫn đến loãng xương, chiều cao thấp và các vấn đề sức khỏe khác.
Tình trạng thiếu hụt hormone ảnh hưởng đến chiều cao trong cơ thể có thể do các nguyên nhân sau đây:
– Di truyền: Một số người có thể mang các đột biến gen ảnh hưởng đến sản xuất hoặc chức năng của hormone. Đây được xem là một dạng rối loạn di truyền ảnh hưởng đến chiều cao. Đột biến gen và nhiễm sắc thể khiến cơ thể không thể sản xuất ra đủ nhu cầu hormone để hỗ trợ phát triển chiều cao. Trẻ có thể kém phát triển ngay từ nhỏ, tăng trưởng kém ở trong giai đoạn dậy thì khiến chiều cao hạn chế.
– Bệnh lý: Trẻ mắc phải một số bệnh lý bẩm sinh như u tuyến yên, suy giáp, bệnh Turner và bệnh Addison, có thể ảnh hưởng đến sản xuất hormone. Một số bệnh lý khác như bệnh tim mạch, suy thận, tiểu đường… cũng tác động xấu đến sức khỏe cũng như sự tăng trưởng chiều cao của trẻ.
– Thiếu hụt dinh dưỡng: Để cơ thể sản xuất ra các hormone một cách thuận lợi, chúng ta cần phải bổ sung protein, các vitamin và khoáng chất cần thiết. Nếu chế độ ăn thiếu hụt dinh dưỡng, nhất là protein, vitamin và khoáng chất ảnh hưởng đến sản xuất hormone sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt hormone, chiều cao phát triển chậm.
– Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể cản trở quá trình tổng hợp các hormon tăng trưởng ảnh hưởng đến chiều cao. Việc sử dụng thuốc kéo dài khiến lượng hormone sản xuất ra ít, chiều cao phát triển kém cùng nhiều rủi ro sức khỏe khác. Trước khi quyết định cho con sử dụng loại thuốc nào, cha mẹ nên trao đổi kỹ về tác dụng phụ ảnh hưởng đến sản xuất hormone và chỉ sử dụng loại thuốc này nếu thực sự cần thiết.
Thiếu hụt hormone tăng trưởng ảnh hưởng đến chiều cao trong thời gian dài, trẻ có thể phải đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng sau:
– Chậm tăng trưởng: Khi không có đủ hormone cần thiết để điều khiển quá trình phát triển của tế bào xương, không có “người hướng dẫn” sự tạo xương từ sụn, chiều cao của trẻ sẽ phát triển chậm hơn so với tiềm năng di truyền và độ tuổi. Đây cũng là dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất của thiếu hụt hormone ảnh hưởng đến chiều cao.
– Chiều cao thấp: Khi chiều cao của trẻ tăng trưởng với tốc độ thấp và chậm hơn so với các bạn cùng tuổi, trẻ sẽ có nguy cơ bị thấp lùn khi trưởng thành. Chiều cao khiêm tốn không chỉ khiến trẻ tự ti mà còn ảnh hưởng đến cơ hội thành công trong công việc và cuộc sống của trẻ.
– Còi xương: Thiếu hụt các hormone cần thiết cho quá trình hấp thụ canxi và vitamin D sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng này. Hệ quả là trẻ dễ bị còi xương, chậm lớn, xương yếu và dễ gãy hơn do mật độ xương thấp. Trẻ cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh xương khớp khi cao tuổi, lão hóa xương sớm.
– Rối loạn chuyển hóa: Ngoài chức năng đối với tăng trưởng chiều cao, các loại hormone như GH, T3, T4 hay hormone sinh dục cũng có những vai trò nhất định đối với khả năng hấp thu và sử dụng các chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng. Thiếu hụt các hormone kể trên còn có thể gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa, tác động xấu đến các chức năng bình thường của cơ thể.
Để chẩn đoán được trẻ có đang bị thiếu hụt hormone tăng trưởng ảnh hưởng đến chiều cao hay không, các bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:
– Xét nghiệm máu: Lấy máu xét nghiệm là cách kiểm tra và chẩn đoán thiếu hụt hormone ảnh hưởng đến chiều cao phổ biến và có độ chính xác cao nhất. Các hormone được giải phóng vào máu và theo máu đến các cơ quan trong cơ thể, thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Nếu nồng độ các hormone quan trọng đối với chiều cao trong máu quá thấp, có thể trẻ đang bị thiếu hụt hormone, khiến chiều cao phát triển chậm hơn.
– Chụp X-quang: Quá trình chụp x-quang xương sẽ giúp cha mẹ nắm được tình trạng xương của con như thế nào, tuổi xương là bao nhiêu, mật độ xương có tốt hay không… Nếu phim chụp X-quang xương cho thấy xương yếu, chất lượng kém, có thể con đang bị thiếu hụt hormone ảnh hưởng đến chiều cao. Sau đó, trẻ sẽ được chỉ định xét nghiệm chuyên sâu khác để kiểm tra chi tiết.
Đối với điều trị thiếu hụt hormone, cha mẹ có thể cho con tiêm bổ sung GH dạng chế phẩm sinh học nếu con được chẩn đoán thiếu hụt GH. Quá trình tiêm bổ sung hormone thiếu hụt phải được thực hiện bởi chuyên gia, sau khi trẻ đã được chẩn đoán chi tiết. Việc tiêm hormone tăng trưởng kéo dài trong nhiều năm, chỉ có tác dụng nếu trẻ chưa dậy thì hoặc đang trong tuổi dậy thì. Giá thành của dịch vụ điều trị thiếu hụt GH cũng khá cao, từ vài trăm đến hàng tỉ đồng.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con để bổ sung đa dạng dinh dưỡng, đặc biệt là những thành phần dưỡng chất cần thiết để hệ nội tiết sản xuất ra nhiều hormone tăng trưởng. Mặt khác, cũng cần tạo điều kiện cho con ngủ sớm và đủ giấc, hỗ trợ tuyến yên sản xuất hormone tăng trưởng vào ban đêm.
Phòng ngừa thiếu hụt hormone ảnh hưởng đến chiều cao cho trẻ thông qua áp dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, nghri ngơi hợp lý. Ngoài ra, nên cho trẻ thăm khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần để kiểm tra tốc độ tăng trưởng, chiều cao đã đạt chuẩn hay chưa, xét nghiệm máu để xác định nồng độ hormone trong máu, xem con có bị thiếu hụt hormone nào ảnh hưởng đến chiều cao hay không.
Chiều cao là yếu tố ngoại hình quan trọng, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của trẻ khi trưởng thành. Do đó, cha mẹ cần nắm được trẻ thiếu hụt hormone nào ảnh hưởng đến chiều cao, cách chăm sóc trẻ hằng ngày để cơ thể sản xuất đủ các hormone cần thiết giúp chiều cao phát triển tốt mà bài viết chúng tôi đã giới thiệu. Trang bị cho con chiều cao nổi bật, kết hợp với tri thức và sự tự tin, con bạn sẽ có cơ hội lớn đạt được thành tựu nổi bật trong tương lai.