Không biết làm thế nào để theo dõi sự phát triển chiều cao của trẻ tại nhà, nhiều cha mẹ không biết con mình đang thấp hơn chuẩn chiều cao theo độ tuổi, bỏ lỡ các thời điểm vàng để cải thiện chiều cao. Việc theo dõi chiều cao của con cần được thực hiện đúng cách, đúng thời gian định kỳ để nắm bắt tình trạng tăng trưởng chiều cao, kịp thời có phương án chăm sóc chiều cao phù hợp để giúp con cao lớn vượt trội. Bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp cha mẹ nắm được cách theo dõi sự tăng trưởng chiều cao của con ngay tại nhà.
Theo dõi chiều cao cho trẻ tại nhà là hoạt động cha mẹ chủ động đo chiều cao cho con ngay tại nhà bằng các dụng cụ đo có sẵn, ghi chép kết quả ở từng thời điểm đo, đối chiếu với số liệu chiều cao chuẩn theo độ tuổi. Để có thể tự đo và theo dõi chiều cao của con ngay tại nhà chính xác nhất, cha mẹ nên chú ý một số điểm quan trọng sau:
Thước đo là dụng cụ đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần chuẩn bị khi muốn đo chiều cao cho con ngay tại nhà. Các bạn có thể chọn loại thước đứng dán được vào tường, thước dây kéo ra kéo vào được hay các loại thước kẻ ngắn bình thường đều được. Chọn thước có chia cm rõ ràng, chính xác, để quá trình đo chiều cao thuận tiện hơn.
Cha mẹ cũng cần chuẩn bị sổ ghi chép để ghi lại thời gian đo chiều cao, số liệu chiều cao của trẻ ở mỗi lần đo. Thông qua sổ ghi chép, cha mẹ có thể xác định được con cao thêm được bao nhiêu cm so với lần đo trước.
Để có được kết quả đo chiều cao của con chính xác nhất, cha mẹ cần đo chiều cao đúng phương pháp.
– Đầu tiên, nên chọn nơi đo chiều cao là khu vực bằng phẳng, có ánh sáng tốt, không bị gồ ghề sẽ khiến quá trình đo khó khăn và ảnh hưởng đến kết quả đo.
– Trước khi đo phải cởi bỏ giày dép, mũ nón của trẻ. Nếu đo chiều cao vào mùa đông, nên cởi bớt áo khoác, áo dày để kết quả đo chiều cao chính xác hơn.
– Hướng dẫn con đứng thẳng lưng, áp sát người vào tường nhưng vẫn giữ đầu, cổ, lưng nằm trên một đường thẳng.
– Tiến hành dùng thước dây đo từ đỉnh đầu xuống gót chân của trẻ hoặc để trẻ đứng sát tường, gióng một đường thẳng từ vị trí đỉnh đầu sang tường rồi đánh dấu lại trên tường. Sau đó tiến hành kiểm tra chiều cao của trẻ trên thước hoặc đo chiều cao từ mặt đất lên vị trí được đánh dấu trên tường.
– Ghi lại số đo chiều cao của trẻ chính xác đến 0,5 cm.
Từ kết quả đo chiều cao thu được ở mỗi lần đo, cha mẹ có thể tự thiết lập một biểu đồ theo dõi chiều cao của trẻ để nắm được tình trạng tăng trưởng thể chất của con. Việc lập biểu đồ theo dõi chiều cao của trẻ sẽ giúp cha mẹ dễ dàng biết được con mình cao thêm bao nhiêu sau mỗi mốc thời gian cụ thể, tốc độ phát triển có tốt không, trẻ có đang ở trong giai đoạn chiều cao tăng trưởng nhanh chóng như dậy thì hay không. Chính việc lập biểu đồ tăng trưởng cho con sẽ giúp cha mẹ có kế hoạch chăm sóc sức khỏe và cải thiện chiều cao phù hợp, giúp con bứt phá chiều cao nhanh chóng.
Đừng quên đối chiếu biểu đồ chiều cao của con với biểu đồ tăng trưởng của trẻ do các tổ chức y tế uy tín cung cấp. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy con phát triển chiều cao chậm hơn so với biểu đồ chuẩn thì nên chú ý chăm sóc con kỹ lưỡng hơn để giúp chiều cao tăng nhanh chóng. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể đối chiếu biểu đồ phát triển chiều cao của con với bảng chiều cao chuẩn theo độ tuổi của WHO.
Chiều cao tối đa mà mỗi đứa trẻ đạt được là bao nhiêu do sự chi phối của rất nhất nhiều yếu tố, điển hình có một số yếu tố nổi bật sau:
– Di truyền: Chiều cao của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chiều cao của trẻ. Ước tính di truyền ảnh hưởng khoảng 23% sự tăng trưởng chiều cao của con. Cha mẹ sẽ di truyền nhiều gen quy định chiều cao cho con cái. Các gen này tác động đến sự phát triển của tấm tăng trưởng, hàm lượng hormone tăng trưởng tiết ra hay sự hấp thụ vitamin D của cơ thể… Các nhà khoa học đã phát hiện ra khoảng gần 700 gen di truyền từ cha mẹ ảnh hưởng đến chiều cao của con cái.
– Dinh dưỡng: Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là canxi, vitamin D và protein, rất cần thiết cho sự phát triển chiều cao của trẻ. Chỉ khi chế độ ăn hằng ngày bổ sung đủ các nguyên liệu cần thiết thì hệ xương mới phát triển nhanh, giúp chiều cao tăng lên. Tỉ lệ ảnh hưởng của dinh dưỡng đến chiều cao của con khá lớn, khoảng 32%, cao nhất trong các yếu tố chi phối sự phát triển thể chất.
– Giấc ngủ: Ngủ đủ giấc giúp cơ thể trẻ tiết ra hormone tăng trưởng, thúc đẩy phát triển chiều cao. Thời điểm tuyến yên sản xuất ra nhiều hormone tăng trưởng nhất trong ngày là từ 23h – 01h sáng. Điều kiện cần là trẻ phải ở trong trạng thái ngủ sâu. Những trẻ đi ngủ muộn hơn 22h, ngủ không đủ nhu cầu theo độ tuổi, khó có thể đạt được chiều cao chuẩn khi trưởng thành.
– Hoạt động thể chất: Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe, hỗ trợ phát triển chiều cao của trẻ. Quá trình vận động sẽ kích thích xương tích lũy khoáng chất tốt hơn, tăng mật độ xương. Xương cũng linh hoạt, dẻo dai hơn. Điều này rất có lợi cho sự phát triển thể chất. Mặt khác quá trình rèn luyện thể chất cũng hỗ trợ tăng cường trao đổi chất, hô hấp, vận chuyển dinh dưỡng, tăng cường thể lực…
– Môi trường sống: Môi trường sống lành mạnh, ít ô nhiễm cũng góp phần ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Được phát triển trong môi trường an toàn giúp trẻ có sức khỏe tốt hơn, ít ốm vặt, đời sống tinh thần vui vẻ thoải mái, hỗ trợ chiều cao tăng trưởng nhanh chóng.
Trong quá trình theo dõi sự phát triển chiều cao của trẻ tại nhà, cha mẹ nên cảnh giác với một số dấu hiệu trẻ phát triển chiều cao chậm sau đây:
– Tốc độ tăng trưởng chiều cao của con chậm hơn bình thường so với độ tuổi hiện tại. Nếu trẻ đang trong tuổi dậy thì từ 10 – 16 tuổi mà mỗi năm chiều cao không tăng lên hơn 5cm thì con đang bị phát triển thể chất kém so với tiềm năng độ tuổi.
– Chiều cao hiện tại của con thấp hơn so với chuẩn theo độ tuổi từ 3 cm trở lên. Thông thường chiều cao thấp hơn chuẩn 1-2cm và sức khỏe của trẻ hoàn toàn ổn định thì trẻ vẫn được xem là phát triển tốt, cha mẹ không cần phải quá lo lắng. Nhưng nếu chiều cao của con thấp hơn chuẩn 3cm ở thời điểm hiện tại thì con rất dễ bị dưới chuẩn chiều cao khi trưởng thành.
– Có các triệu chứng bất thường khác như con hay ốm vặt, cân nặng dưới chuẩn hoặc bị béo phì, dậy thì sớm, dậy thì muộn… thì cha mẹ cũng nên cảnh giác. Cần đưa con đi thăm khám sức khỏe để kiểm tra tổng quát sức khỏe, tìm ra nguyên nhân sức khỏe bất thường và có phương pháp chăm sóc phù hợp.
Để chiều cao của con được cải thiện nhanh chóng, cha mẹ có thể cân nhắc áp dụng các mẹo tăng chiều cao sau đây:
– Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ: Dinh dưỡng tác động rất lớn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ ngay từ trong bào thai đến khi trưởng thành. Muốn con phát triển chiều cao tốt, cha mẹ cần chú ý cho trẻ ăn uống đa dạng, đầy đủ các nhóm thực phẩm để cung cấp đủ 4 nhóm chất chính: Đạm, tinh bột, chất béo, vi khoáng. Đặc biệt cần bổ sung các thực phẩm giàu canxi, vitamin D và protein vì đây là những chất ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển hệ xương. Một số thực phẩm có lợi cho chiều cao trẻ nên ăn nhiều như: Cá, tôm, thịt nạc, cua, thịt gà, trứng gà, rau xanh, trái cây có múi, sữa và sản phẩm làm từ sữa…
– Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc: Như đã nói ở trên, ngủ là điều kiện cần thiết cho tuyến yên sản xuất ra nhiều hormone tăng trưởng vào ban đêm. Do đó, cha mẹ cần cố gắng tạo thói quen ngủ khoa học cho trẻ với thời điểm đi ngủ trước 22h, cho trẻ ngủ đủ 8 – 10 tiếng mỗi ngày. Ngoài ra cũng cần đảm bảo không gian ngủ thoải mái, dễ chịu, thông thoáng cho trẻ để con yêu ngủ ngon giấc hằng ngày.
– Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên: Cha mẹ có thể quan sát, đánh giá và tham khảo ý kiến của con trong việc lựa chọn sẽ chơi môn thể thao nào để tăng chiều cao. Một số môn thể thao tốt cho sức khoẻ và hỗ trợ cải thiện chiều cao nhanh gồm có chạy bộ, nhảy dây, bơi lội, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, yoga… Ưu tiên và khuyến khích con vận động ngoài trời vào các khung giờ mát mẻ để vừa vận động vừa tắm nắng, bổ sung vitamin D hỗ trợ xương hấp thu canxi hiệu quả.
– Tạo môi trường sống lành mạnh cho trẻ: Ngoài chăm sóc bữa ăn giấc ngủ cho con, cha mẹ cũng cần chú ý giữ cho nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ nhằm hạn chế các tác nhân như virus, vi khuẩn từ môi trường ảnh hưởng đến trẻ. Nên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm trước 8h và sau 4h chiều khi cường độ nắng dịu nhẹ, không gây hại cho da. Chăm sóc và quan tâm con hằng ngày, chia sẻ và động viên con trong cuộc sống để trẻ có thể phát triển toàn diện cả thể chất, trí tuệ, nhân cách.
Trong quá trình tự theo dõi chiều cao của con tại nhà, cha mẹ nên lưu ý một số điểm quan trọng sau:
– Tiến hành kiểm tra chiều cao cho con theo đúng mốc quy định, sau mỗi tháng trong độ tuổi từ 0 – 10, sau mỗi 3 tháng trong độ tuổi 10 – 15, sau mỗi 6 tháng khi trẻ trên 16 tuổi.
– Sử dụng cùng một thước đo và phương pháp đo trong suốt quá trình kiểm tra chiều cao sẽ giúp kiểm tra tốc độ tăng trưởng chiều cao dễ dàng và chính xác hơn.
– Ghi chép số liệu chiều cao của con cẩn thận, kỹ lưỡng, hạn chế để xảy ra sai sót.
– Nếu chiều cao của con thấp hơn chuẩn liên tục trên 2 kỳ kiểm tra chiều cao, nên chủ động tìm hiểu nguyên nhân và áp dụng cách tăng chiều cao phù hợp.
– Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ lo lắng nào.
– Định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám, kiểm tra sức khoẻ.
– Kết hợp theo dõi chiều cao với chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý, ngủ sớm và đủ giấc sẽ giúp cải thiện chiều cao và sức khỏe cho trẻ.
– Khuyến khích trẻ duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, tránh xa những sản phẩm gây hại cho chiều cao và sức khoẻ như rượu bia, thuốc lá…
Việc chủ động theo dõi sự phát triển chiều cao của trẻ tại nhà giúp cha mẹ nắm được tình trạng tăng trưởng thể chất của con và sớm điều chỉnh cách chăm sóc sức khoẻ để con phát triển chiều cao hết tiềm năng.